Tin tức: Luật sư cho rằng hành vi bạo hành cháu bé 10 tuổi của người bố đẻ và mẹ kế là hành vi vô đạo đức. Với hành vi này, hai đối tượng trên sẽ bị kết tội hành hạ trẻ em hoặc cố ý gây thương tích và sẽ phải đối diện với mức án 3 năm tù giam.
Hành vi mất hết tính người
Những ngày qua, vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành suốt gần 2 năm trời tại Hà Nội đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bức xúc. Rất nhiều người lên tiếng, mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng để răn đe các trường hợp khác.
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc đánh đập, ngược đãi cháu bé 10 tuổi trong gần 2 năm của 2 đối tượng trên là vô đạo đức và không thể chấp nhận được.
Theo ông Thơm, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Mọi hành vi xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em đều bị nghiêm cấm.
“Xét hành vi phạm tội của đối tượng thì thấy, trong suốt một thời gian dài ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội đã có hành vi hành hạ, ngược đãi con đẻ của mình gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu bé. Hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn gây bàng hoàng trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý của gia đình và xã hội Việt Nam”, luật sư Thơm cho biết.
Bố đẻ đối diện mức án 3 năm tù
Phân tích sâu hơn về vụ việc này, ông Thơm cho biết hành vi phạm tội của đối tượng đã có dấu hiệu phạm 2 tội, đó là Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 và Điều 151 Bộ luật hình sự 1999.
Để xử lý xem xét hành vi phạm tội của đối tượng thì cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả đã gây ra cho cháu bé.
Nếu cháu bé bị người bố bạo hành thô bạo gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu bé từ 11% trở lên xử bị xử lý tương ứng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.
“Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 thì người đại diện hợp pháp cho người Bị hại (mẹ đẻ cháu bé) cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Nếu trong trường hợp, người đại diện hợp pháp cho người bị hại chưa thành niên không yêu cầu xử lý và không đưa cháu bé đi giám tỷ lệ thương tật thì các Cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể xử lý đối tượng về Tội hành hạ con theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 1999.” Ông Thơm phân tích.
Nếu là đồng phạm, mẹ kế cũng sẽ đối diện án tù giam
Về phía người mẹ kế, sau khi bỏ trốn khỏi nơi ở, người này cũng đã trình diện công an, thừa nhận mọi hành vi của mình. Người này khai nhận do cháu bé ăn vụng thịt bò nên đã cầm đũa vụt vào mặt cháu.
Theo ông Thơm, nếu cơ quan công an điều tra, làm rõ việc người phụ nữ này cũng có hành vi bạo hành, ngược đãi cháu bé khiến cháu bé bị thương tích thì người này là đồng phạm với ông bố đẻ.
“Nếu công an làm rõ được hành vi ngược đãi của người mẹ kế gây thương tích cho cháu bé thì người này là đồng phạm với người bố đẻ của cháu bé. Khi đó cả hai sẽ bị truy tố về hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành hạ trẻ em, tùy theo mức độ thương tích của nạn nhân“, ông Thơm cho biết.
Nên rút quyền nuôi con của người bố
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người cho rằng, việc hành hạ cháu bé 10 tuổi của người bố là quá nhẫn tâm, cơ quan chức năng cần rút quyền nuôi con của người bố, để cháu bé cho mẹ để nuôi dưỡng. Về việc này, ông Thơm phân tích, khi ly hôn, người bố đã được Tòa án quyết định giao cháu bé nuôi dưỡng. Hiện nay, người bố đang bị xử lý về hành vi bạo hành cháu bé nên Cơ quan tố tụng có thể tạm thời giao cháu cho người mẹ đẻ nuôi dưỡng trong quá trình giải quyết vụ án.
Sau khi có quyết định xử lý của các Cơ quan tố tụng, người mẹ có thể yêu cầu Tòa án nơi giải quyết việc ly hôn thay đổi quyền nuôi con theo Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014.