Xu hướng bán hàng online đã phát triển mạnh mẽ trong mấy năm gần đây và ngàn lẻ một câu chuyện bi hài xung quanh nghề nghiệp đang ‘hot’ nhất mạng xã hội này không còn là điều gì mới mẻ.
Quả thực là thế. Khi Facebook đã phổ cập đến từng người dân Việt Nam thì việc trao đổi, mua bán trên mạng xã hội này thực sự thăng hoa. Có nhiều người bán cho vui, thi thoảng thanh lý món này, bán món kia; cũng có người làm thêm, cộng tác viên chỗ này, chỗ nọ… Thế nhưng, cũng không hiếm người đã dám từ bỏ công việc với mức lương khá cao để theo đuổi công việc này như một nghề nghiệp thực sự.
Viễn cảnh màu hồng: tự do, nhàn nhã và thu nhập “khủng”
Hiện nay, lực lượng hùng hậu nhất tham gia bán hàng online là học sinh – sinh viên và các mẹ bỉm sữa, chị em văn phòng. Nếu các bạn trẻ thường chọn những sản phẩm thiên về làm đẹp như thời trang, mỹ phẩm… giá rẻ để khởi nghiệp thì các mẹ bỉm sữa lại hứng thú với việc bán tã bỉm, quần áo trẻ em, người lớn hay thực phẩm giảm cân, tăng sữa…
Nếu là người dùng Facebook thường xuyên, hẳn bạn sẽ không lạ gì những bài đăng “bóc phốt”, kể tội nhau đến từ cả chủ shop lẫn khách mua hàng online. Những bài đăng này ngập tràn trên newsfeed và luôn thu hút số lượng lớn người tham gia bình luận với nhiều ý kiến trái chiều, có bênh có chê.
So với lực lượng bán hàng online đông đảo hiện nay thì số người thành công hay hài lòng với thu nhập kiếm được lại không nhiều.
Nhiều bạn sau thời gian kinh doanh online đã phải tìm một công việc ổn định khác để đi làm trở lại vì không chịu được áp lực. Bởi sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mạng xã hội hiện tại khốc liệt vô cùng.
Khóc ròng vì… bán hàng online
Có thâm nhập sâu vào công việc của những người bán hàng qua mạng mới thấy, thực ra nghề này “chua như giấm”.
Thu Trâm, một người bán hàng quần áo trẻ em lâu năm cho biết: “Mình bán mỗi cái lời chỉ từ 15 – 20.000 đồng mà còn phải giao hàng miễn phí, đổi trả hàng lỗi đủ kiểu mà mọi người cứ tưởng lời lắm. Lâu lâu lại bị bom hàng khiến mình mất tiền giao hàng hay phải thường xuyên giảm giá lỗ để đẩy hàng tồn mệt mỏi lắm. Đôi lúc nản, mình ganh tỵ với những bạn đi làm công ty cứ đến tháng nhận lương, chẳng để ý hay suy nghĩ chuyện lời lỗ”.
Vẻ mặt trầm ngâm, Trâm cho biết thêm, bán hàng online khác bán cửa hàng, chủ yếu nhờ vào uy tín và lòng tin của khách hàng bởi người mua không thể nhìn được sản phẩm, chỉ tin vào lời người bán và hình ảnh trên mạng.
Nhiều nơi đưa hình ảnh giống y nhau nhưng giá thì chênh lệch gấp hai, thậm chí gấp ba lần khiến người dùng không khỏi hoang mang.
“Nhiều bộ đồ mình nhập giá sỉ là 70 – 80.000 đồng, bán lẻ ra là 100.000 đồng mà dạo một vòng mình bắt gặp shop online khác cũng đăng hình mẫu giống vậy mà đưa giá chỉ 65.000 đồng. Tức quá, mình đặt mua thử một bộ xem thế nào thì thấy thun mỏng, in thì lem nhem, so với hình mẫu thì chỉ giống 80%. Thế nên nhiều khách không biết, nghĩ mình bán mắc, chuyển sang bên shop kia mua để rồi sau đó than thở hàng xấu, bị lừa này nọ… Bởi họ đâu có mua cả hai để so sánh xem chất liệu thế nào. Ham rẻ rồi bảo bị lừa, giá cao một chút thì bảo bán đắt. Buôn bán online là làm dâu trăm họ”, Trâm chia sẻ.
Đó chỉ mới là một trong những nỗi khổ của bán hàng online. Nỗi sợ kinh điển của người mua là mua phải hàng đểu, còn người bán chính là đặt hàng rồi không lấy, gọi tắt máy, người giao hàng đến thì không thèm tiếp, hành hạ đủ đường…
Không chỉ vậy, tình trạng giựt khách giữa những người bán cũng khiến nhiều chị em đau đầu.
Chị Hồng Mai, kinh doanh thời trang nữ kể:“Mình nhập hàng đẹp, y hình mẫu, bán ra giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/bộ, lời khoảng 50.000 đồng, lại hậu mãi, tặng quà, miễn phí giao hàng nên nhiều khách biết, ủng hộ thường xuyên. Thế nhưng, nhiều người bán hàng kém cũng lấy hình mẫu y vậy, bán bằng một nửa giá của mình rồi add friend, chèo kéo khách khiến nhiều chị em lần đầu biết đến mình phải lo lắng, đắn đo khi đặt hàng của mình vì sợ mắc”.
Bán hàng có tâm rồi, hãy là người mua hàng có tầm
Triết lý “thuận mua vừa bán” tưởng rằng vốn đơn giản trong đời thực, không ngờ lại khó mà đạt được khi đưa lên mạng áp dụng với kinh doanh online. Một đơn hàng online nên là sự thỏa thuận rõ ràng, hợp lý đến từ hai phía: người bán và người mua, cũng như thêm vào đó là khâu vận chuyển trung gian đảm bảo, để quá trình mua bán thuận lợi, dễ dàng, tạo sự thoải mái cho tất cả.
Muốn đạt được điều đó, không chỉ người bán hàng online cần kinh doanh những mặt hàng uy tín, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, mà ngược lại người mua cũng nên có văn hóa mua hàng một cách văn minh. Chỉ mua hàng khi đã tìm hiểu và thỏa thuận rõ ràng với shop online về giá cả, tình trạng hàng hóa, hướng dẫn sử dụng và các thông tin kèm theo. Để ý điện thoại và chuẩn bị thanh toán đầy đủ, giúp tiết kiệm công sức cho shipper. Trao đổi nhẹ nhàng, lịch sự với shop nếu có bất cứ sự cố gì xảy ra về giao nhận, về tình trạng hàng. Đôi khi chỉ một bài đăng, một đánh giá bốc đồng, vội vàng của bạn cũng ảnh hưởng đến uy tín của cả một thương hiệu và kéo theo là nhiều người khác đằng sau đó.