Dâu tây trắng đang được dân Việt lùng sục khắp chốn nhưng hàng lại cực khan hiếm, không có mà mua.

Nhật Bản là xứ sở của những loại thực vật kỳ lạ nhất thế giới. Lá cây ở đây có thể mang hình cá heo, dưa hấu có thể hình vuông, nho mỗi quả to như quả bóng bàn. Tuy nhiên, thứ đặc biệt nhất, làm nên thương hiệu cho Nhật Bản lại là những trái dâu tây màu trắng. Mới đây, loại dâu tây trắng ở Nhật Bản được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, với quả căng mọng, vỏ ngoài trắng, ăn có vị ngọt, mùi thơm như dứa đang được cư dân Việt săn đón dù quả dâu tây lên tới 200.000 đồng/quả.

Dâu tây trắng được bán với giá 1.000 yen/quả (khoảng 200.000 VND)
Dâu tây trắng được bán với giá 1.000 yen/quả (khoảng 200.000 VND)

Thoạt nhìn, vẻ bề ngoài của loại dâu tây này không khác gì dâu tây thông thường nhưng kích thước lớn hơn và phủ lớp vỏ cùng ruột trắng. Những quả dâu độc nhất vô nhị này bạn sẽ không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới, trừ Nhật Bản. Quốc gia này xứng đáng là xứ sở của nhiều loại thực vật độc lạ nhất.

Dâu tây trắng ở Nhật có tên là Shiroi Houseki – hay dâu “bạch ngọc” (White Jewel). Nói là một quả, nhưng mỗi trái dâu trắng ở đây nặng ít nhất là 50g (nửa lạng), tức là những quả dâu khổng lồ.

Loại dâu tây trắng này do ông Yasuhito Teshima tạo ra 4 năm trước. Đến nay, nông trại của ông ở tỉnh Saga (Nhật Bản) vẫn là nơi duy nhất trên thế giới sản xuất loại dâu tây đặc biệt này.

Một trong số những bí quyết trồng được dâu tây Ngọc trắng là giảm lượng ánh sáng mặt trời mà chúng nhận được. Điều này sẽ khiến cây sản sinh ra ít chất anthocyanin – loại chất làm hoa quả và rau có được màu sắc tự nhiên của chúng.

Ông Teshima và những trái dâu tây trắng "độc nhất vô nhị" trên thế giới
Ông Teshima và những trái dâu tây trắng “độc nhất vô nhị” trên thế giới

Màu sắc của dâu tây được quyết định bởi ánh nắng. Da người đi nắng nhiều thì đen đi vì xuất hiện nhiều melanin (hắc tố), còn dâu tây thì đỏ hơn nhờ anthocyanin.

Vì là màu trắng nên dâu sẽ nhanh chóng lộ ra những điểm khiếm khuyết, trong khi những trái dâu bán ra thị trường phải trắng và đẹp một cách hoàn hảo.

Do vậy, loại dâu này không thể trồng với số lượng lớn. Trên thực tế, con số xuất ra ngoài thị trường chỉ đạt khoảng 1/10 tổng sản lượng, và đó cũng là nguyên nhân chính đẩy giá dâu trắng “lên trời”.

Ở Nhật không chỉ có Shiroi Houseki là dâu trắng. Nhờ lai tạo, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại dâu khác với màu sắc tương tự như Yuki Usagi (dâu bạch thỏ), Sakura Ichigo (dâu anh đào), hay Tenshi No Mi (dâu thiên thần)…

Nhưng chỉ dâu bạch ngọc bứt phá để trở thành đặc biệt, với mức giá đắt nhất trong số tất cả các loại dâu trắng hiện nay trên thế giới.