Nhiều số liệu trên thị trường cho thấy cơn lốc điện thoại di động đang bùng nổ trên thị trường thương mại Việt Nam. Việc dùng máy tính đã không còn quá phổ biến nữa, thay vào đó là smartphone.
Theo muasi.net, số liệu từ Nielsen Việt Nam cho biết, tỷ lệ người dùng smartphone so với điện thoại phổ thông (feature phone) trong năm 2017 là 84%, tăng 6% so với năm 2016 và ước tính sẽ tăng 20% trong năm tiếp theo.
Đây là một dấu hiệu tích cực cho toàn ngành vì smartphone không chỉ là vật bất ly thân của những người bận rộn mà còn dần trở thành những chiếc ‘laptop cầm tay’, hỗ trợ mọi nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
Tại Việt Nam, việc sử dụng điện thoại thông minh đã gia tăng đáng kể tốc độ phổ cập Internet, các dịch vụ không dây và thay đổi hành vi kinh doanh. Thống kê thị trường Việt Nam thể hiện tiềm năng rất lớn cho thương mại điện tử trên nền tảng di động (Mobile E-commerce). Việt Nam có dân số 90 triệu người nhưng có số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao (1 người việt trung bình có 1,45 thẻ SIM điện thoại), trong đó 34% dân số sử dụng internet qua nền tảng di động. Với kết quả khảo sát 3 người Việt Nam thì 1 người đang sử dụng điện thoại thông minh thì thiết bị này đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng tốc độ phổ cập Internet lên 44%, từ mức 12% cách đây một thập kỷ. Đây là nhân tố góp phần thúc đẩy hàng loạt dịch vụ trực tuyến phát triển, đặc biệt là thương mại điện tử trên nền tảng di động. Chính phủ Việt Nam kỳ vọng thị trường thương mại điện tử sẽ có doanh thu 4 tỷ USD trong năm nay so với mức 700 triệu USD vào năm 2012.
Từ khi chào đón Alibaba thông qua ứng dụng thanh toán AliPay, ứng dụng di động mua sắm trực tuyến Shopee, Lazada…, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực. Người dùng bắt đầu có thói quen mua sắm trực tuyến qua thiết bị di động nhiều hơn. Thậm chí những người bán hàng họ cũng dùng điện thoại để kinh doanh online khá nhiều.
Kéo theo đó là sự chạy đua từ các doanh nghiệp không muốn mình bị chôn vùi trong “cơn lốc” công nghệ vì hiện có đến 72% lượng truy cập website thương mại điện tử đến từ di động.
Các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm chắc chắn sẽ có lợi thế trong khi các đơn vị trong nước vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Do đó, đòi hỏi các nhà phát triển ứng dụng và các doanh nghiệp trong nước cần có sự trao đổi, hợp tác với nhau để cùng phát triển các sản phẩm phục vụ cộng đồng người sử dụng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, thương mại điện tử trên di động cũng không vượt ngoài khuôn khổ những giá trị thương mại truyền thống khi chất lượng dịch vụ là cốt lõi. Các hạ tầng hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát cũng cần được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, thương mại điện tử trên di động sẽ góp phần chắp cánh cho lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.